Đặc thù của ngành Thương Mại Quốc Tế là sau khi ra trường chúng ta sẽ làm được trong một số ngành nghề: chuyên viên xuất nhập khẩu, chuyên viên mua bán hàng, tổ chức kinh doanh thương mại ở các doanh nghiệp,…
Nhưng thực tế lại không như mong muốn. Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn đang chật vật tìm kiếm việc làm. Hoặc chưa thể làm đúng theo chuyên ngành mà mình đang học do rất nhiều nguyên nhân.
Nội Dung Chính
- 1 Lý do sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế bị “thất nghiệp”, “làm trái ngành”
- 2 Bối cảnh kinh tế hiện nay
- 3 Nhu cầu việc làm và mức độ cạnh tranh của sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế
- 4 Thực trạng sinh viên học ngành Thương Mại Quốc Tế
- 5 GIẢI PHÁP cho sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế trong thời hội nhập
Lý do sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế bị “thất nghiệp”, “làm trái ngành”
Không có khả năng tự chủ: tốn thời gian và tiền bạc của mình khi phải “chạy đi chạy lại” với những trung tâm giới thiệu việc làm có nguồn gốc không rõ ràng.
Không có sự yêu thích chuyên ngành ban đầu mình đã được học ở trường lớp: nộp rất nhiều đơn xin việc khác nhau, không có sự lựa chọn trong công việc mình yêu thích, chỉ cần có việc làm tạo thu nhập là đủ!
Làm đúng ngành nhưng mức lương thấp.
Bối cảnh kinh tế hiện nay
2015 là năm đánh dấu bước chuyển quan trọng của ngoại giao Việt Nam khi: gia nhập AEC, ký Hiệp định TPP, FTA… Việc tham gia vào hiệp định TPP là cơ hội rất lớn cho chúng ta:
- Mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn.
- Kích thích và tạo thêm nhiều việc làm trong nước.
- Có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực.
- Phát triển của các ngành xuất khẩu cũng tạo ra nhiều việc làm cho sinh viên thuộc khối kinh tế như Thương mại, Ngoại thương, Kinh doanh quốc tế…
Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn lành nghề và nhân lực. Điều đó cho thấy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cấp thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý.
Ngành Kinh tế là một bộ phận của nền Kinh tế chuyên tạo ra hàng hóa và dịch vụ. Các hoạt động Kinh tế bao gồm cả đầu tư, sản xuất, vận tải, thương mại, dịch vụ… Như vậy Kinh tế bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới hạn.
Theo chuyên trang tìm kiếm việc làm JobStreet.com, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Thương Mại Quốc Tế có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, bán hàng, tiếp thị, xuất nhập khẩu, …
Phạm Mạnh Hà – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết, theo nghiên cứu gần đây, trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, lĩnh vực Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng, Thương mại vẫn hút nhân lực nhất. Dự báo cần 35% tổng nguồn nhân lực. Tuy nhiên từ trước đến nay, khối ngành này vẫn được nhiều người lựa chọn nên dẫn đến sự đào thải nhân lực khắt khe.
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao chọn ngành “hot” vẫn thất nghiệp? TS Hà cho rằng nếu nhà tuyển dụng cần nhân lực là 35% thì số người thi ngành này lên tới 75%.
Dù vậy, khối ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại không phải thiếu việc làm, mà chỉ thiếu những người có năng lực.
Theo kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng 270.000 chỗ việc làm trống (trong đó: lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%). Định hướng phát triển thị trường lao động thành phố theo 04 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí, Điện tử – Công nghệ thông tin, Chế biến lương thực thực phẩm, Hóa chất – Nhựa cao su. Cùng với 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ: Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm, Giáo dục – Đào tạo, Du lịch, Y tế, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai, Thương mại, Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng, Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Đồng thời một số nhóm ngành thu hút nhiều lao động :Dệt may – Giày da – Thủ công mỹ nghệ, Marketing, Dịch vụ – Phục vụ, Xây dựng – Kiến trúc – Môi trường …
Nhu cầu việc làm và mức độ cạnh tranh của sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế
Về phía sinh viên
Sinh viên học ngành thương mại sau khi ra trường đa số sẽ làm ở vị trí nhân viên kinh doanh, chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên bán hàng, …Và thường sẽ:
- Cạnh tranh với các bạn sinh viên ở các ngành khác cùng trường.
- Cạnh tranh với các bạn sinh viên chung ngành thương mại ở các trường ĐH khác như RMIT.
- Cạnh tranh với các sinh viên ở các quốc gia khác khi Việt Nam tham gia cộng đồng AEC.
Về phía doanh nghiệp
Quan ngại về kỹ năng và mức độ trung thành của sinh viên mới ra trường. Xu hướng thích nhảy việc cũng khiến nhà tuyển dụng ái ngại ứng viên mới ra trường. Theo kết quả khảo sát của JobStreet trên toàn khu vực, chỉ có khoảng từ 26-29% người lao động trung thành với việc làm đầu tiên. 67% doanh nghiệp quan ngại về kỹ năng, 33% lo lắng về khả năng nhảy việc cao.
Thực trạng sinh viên học ngành Thương Mại Quốc Tế
Năng lực sinh viên
Sinh viên Thương Mại đòi hỏi các bạn phải năng động, nhiều nhiệt huyết để có thể có thể giao tiếp, thương lượng tốt với khách hàng.
Các nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến các tiêu chuẩn này nhiều hơn tấm bằng đại học của bạn đấy, vì thực tế đã chứng minh những người có càng nhiều kỹ năng mềm thì càng làm việc tốt và hiệu quả, các kỹ năng ấy có thể là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng máy móc công nghệ, kỹ năng truyền đạt thông tin, kỹ năng lập kế hoạch. Những kỹ năng này sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường gây ấn tượng và thuyết phục được nhà tuyển dụng trong khi chưa có kinh nghiệm làm việc nào. Nhưng hiện nay thì thực tế sinh viên còn rất ngại khi thuyết trình trước lớp, đưa ra ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình trước đám đông.
Khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm của sinh viên chưa thực sự tốt, chưa linh hoạt trong công việc. Ngại sự thay đổi trong môi trường làm việc nhóm mà kỹ năng này cần có với một sinh viên khi ra trường.
- Sinh viên chọn học ngành thương mại là vì điểm đầu vào chứ chưa thật sự yêu thích với lĩnh vực buôn bán:
Các bạn trẻ mới ra trường thường coi bán hàng là công việc nằm trong blacklist không bao giờ đụng tới, hoặc nếu bí bách thì đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Tuy vậy, thực tế thống kê cho thấy hơn 80% lãnh đạo các công ty đều xuất thân từ nghề bán hàng. Do sales là một nghề đặc biệt đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và cách tư duy khác biệt hiếm ngành nghề nào có được, bên cạnh đó, nghề sales cũng cho người làm những kinh nghiệm hữu ích sau này, nhất là những ai muốn kinh doanh riêng, thành lập doanh nghiệp.
Nghề bán hàng nhìn bề ngoài đơn giản và đôi khi có vẻ hơi “rẻ tiền”. Tuy nhiên đó là môi trường học tập kinh nghiệm rất tốt nếu bạn muốn trở thành nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp trong tương lai. Vì sẽ tiếp thu được rất nhiều thứ, nhưng khi bước chân vào nghề bán hàng bạn chỉ cần mang theo 2 phẩm chất: Can đảm và Kiên nhẫn. Can đảm để bỏ ngoài tai dư luận và theo đuổi hướng đi mình đã chọn. Kiên nhẫn để không nản chí trước những lời từ chối dồn dập mỗi khi cơm không lành canh không ngọt.
- Tâm lý chủ quan:
Đa số các bạn sinh viên chỉ học tập kiến thức ở trường, ít tham gia vào các hoạt động đội nhóm, ít đi làm thêm nên các kỹ năng như đọc vị ngôn ngữ cơ thể, thuyết phục khách hàng, quản lý rủi ro, xử lý phàn nàn, duy trì mối quan hệ, … còn yếu. Vì thế khi đi làm, các bạn cảm thấy bị thua kém khi bán hàng không đạt doanh số, hoặc bị khách hàng phàn nàn nhiều. Từ đó dẫn tới mất đi niềm yêu nghề, chán nản với công việc.
Các bạn muốn làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, là một ngành không chỉ đòi hỏi kiến thức về chuyên môn cao, mà còn đòi hỏi về điều kiện ngoại ngữ rất cao, đặc biệt là Tiếng Anh. Tuy nhiên việc trau dồi anh văn của sinh viên thương mại còn khá hạn chế. Một phần vì chương trình học còn ít vận dụng tiếng anh. Mặc khác vì các bạn nghĩ thương mại là buôn bán trong nước nên không cần sử dụng ngoại ngữ nhiều. Vì vậy khả năng ngoại ngữ của sinh viên Thương Mại còn thấp so với các sinh viên ngành khác như Ngoại Thương.
- Chính sinh viên học ngành Thương Mại cũng còn có định kiến về nghề sales:
Nghĩ rằng bán hàng là một nghề nghiệp không có tương lai, rất ít cơ hội thăng tiến.
Sợ bị khách hàng từ chối.
Sợ phải đi ngoài trời nhiều khói bụi ô nhiễm.
Lương không ổn định, dựa vào doanh số nên không có thu nhập cố định.
Nghĩ rằng chỉ có những con người giỏi mồm mép mới có thể bán được hàng.
Làm nhân viên kinh doanh muốn bán được hàng phải nhậu nhẹt nhiều gây ảnh hưởng sức khỏe.
Trình độ ngoại ngữ
Trình độ ngoại ngữ cũng là rào cản quan trọng nhất đối với phần lớn sinh viên. Tiếng Anh là ngôn ngữ rất cần thiết khi sinh viên bắt đầu ra trường và tìm kiếm việc làm. Và nó còn quan trọng hơn hết đối với sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế. Chúng ta có thể học rất giỏi các môn học trong trường, tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội,… nhưng nếu ra trường mà Tiếng Anh vẫn chưa đạt được trình độ nhất định thì chắc chắn bạn sẽ không tìm được việc làm tạo ra nhiều cơ hội để phát triển trong thời đại 4.0 hiện nay.
Hoặc may mắn mình được nhận vào làm tại công ty nước ngoài, hay môi trường làm việc toàn sử dụng tiếng Anh. Đến khi mà người sếp muốn bạn viết báo cáo hoặc chuẩn bị tài liệu Tiếng Anh thì lúc đó vô cùng khó khăn.
Mức độ nhận biết về các tổ chức (AEC, TPP,…)
Việc gia nhập các tổ chức quốc tế như AEC vào cuối năm 2015 đã có tác động không hề nhỏ đối với 10 nước thành viên trong đó có Việt Nam. Nếu sinh viên chúng ta không trang bị kỹ các kiến thức liên quan đến các tổ chức AEC, TPP thì khó có thể đạt được mục tiêu như mong muốn. Thậm chí, người LĐ sẽ khó khăn tìm kiếm việc làm ngay trên đất nước của mình – rủi ro của LĐ VN nói chung và sinh viên mới ra trường nói riêng.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành từ ngày 31-12-2015. Báo chí nói rất nhiều về AEC cùng những thách thức, cơ hội đối với Việt Nam khi tham gia cộng đồng hơn 600 triệu dân này. Nhưng hiện nay, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp (DN) Việt Nam không biết gì về AEC. Đáng lo không kém là phần lớn thanh niên, trí thức trẻ của Việt Nam – đối tượng bị tác động trực tiếp từ thị trường lao động chung, cũng khá mờ nhạt về AEC.
Thời kỳ hội nhập mới cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn.
GIẢI PHÁP cho sinh viên ngành Thương Mại Quốc Tế trong thời hội nhập
Sinh viên cần chủ động tìm hiểu các hiệp định hợp tác mà Việt Nam đã ký kết để chủ động có những chuẩn bị thật sẵn sang để đón nhận cũng như thách thức tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động hiện nay.
Khi Việt Nam gia nhập vào nền kinh tế thế giới thì lao động cũng sẽ trở nên chuẩn hóa. Mà ngoại ngữ là một trong những yếu tố cấp thiết nhất mà mỗi sinh viên cần có. Vì vậy mà việc làm hiện giờ của mỗi sinh viên là phải cải thiện trình độ ngoại ngữ để không chỉ là trong những công ty trong nước mà còn có thế làm cho các tập đoàn lớn. Vì vậy, sinh viên nên gạt bỏ tâm lý “ngại’, trốn tránh khi phải sử dụng tiếng Anh.
Để có một công việc ưng ý khi ra trường, trước tiên cần xác định rõ bậc thang thăng tiến công việc trong tương lai. Hãy suy nghĩ nghiêm túc trước khi đưa ra chọn lựa cho mình.
Từ bỏ được việc học tập theo lối mòn. Tức là thay vì thụ động tiếp thu những kiến thức từ phía thầy cô và nhà trường, sinh viên cần phải tăng cường thời gian luyện phản xạ nghe – nói trong quỹ thời gian học tập như tự học ở nhà, học ở thầy cô,bạn bè, trung tâm,ra công viên hoặc những nơi tập trung người nước ngoài để giao tiếp.
Trước khi có ý định tham gia tuyển dụng, các sinh viên cần tìm hiểu và lên kế hoạch cho sự nghiệp trong tương lai, điều này rất tốt, giúp các bạn có sự chuẩn bị và không quá bỡ ngỡ khi bắt đầu làm việc cho doanh nghiệp. Các bạn cũng cần trang bị cho mình các kiến thức như nâng cao ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đây sẽ là một lợi thế giúp NLĐ vững vàng hơn trong con đường sự nghiệp sau này, cũng là điều mà nhiều nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở ứng viên. Ngoài ra, sinh viên vẫn cần trau dồi thêm những kỹ năng như tin học,… vì khi tuyển dụng ứng viên mới ra trường, ngoài kết quả học tập, các doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến kỹ năng mềm của ứng viên.
Tìm cho mình một công việc làm thêm liên quan đến công việc của mình sau này. Nếu có thời gian để có thể học hỏi tích lũy kinh nghiệm, va chạm và thích nghi với môi trường làm việc để sau này không phải bỡ ngỡ.
Nên tham gia nhiều các hoạt động đội nhóm, hoạt động xã hội để tạo được nhiều mối quan hệ, thể hiện bản thân xem còn thiếu hoặc cần cải thiện điều gì cho phù hợp với yêu cầu công việc sau này.
Tự trau đồi thêm các kiến thức về kinh tế, văn hóa xã hội sự giao thương, hợp tác của Việt Nam với nước ngoài để bắt kịp với tình hình của thị trường hội nhập.
Nhà trường nên tổ chức thêm nhiều hoạt động cho sinh viên có thể tiếp xúc, vận dụng được kiến thức bài học trên lớp ra ngoài thực tiễn. Bên cạnh đó sinh viên cũng nên chủ động tìm môi trường hoạt động thực tiễn riêng cho mình.
Mỗi sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm mong muốn khi ra trường. Chính vì vậy nên thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với mọi người. Ngoài bạn bè trong lớp, hãy giao lưu với các sinh viên khoa khác, các anh chị khóa trên và kết bạn với họ. Giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người trong nghề hoặc người có thể giúp bạn tìm được công việc mong muốn khi ra trường qua các hoạt động, phong trào đã tham gia.
Các con số trong bảng điểm góp phần không nhỏ vào việc “làm đẹp” hồ sơ cá nhân, giúp bạn tìm được một công việc tốt và mức lương cao sau này. Bởi chúng phản ảnh phần nào những kiến thức chuyên ngành mà bạn nắm được trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, dù việc học có phần thoải mái nhưng đừng quá lơ là để kết quả học tập tuột dốc không phanh.
Xem thêm
- Rủi Ro Là Gì? Các khái niệm cần làm rõ
- Marketing Dịch Vụ là gì? Mô hình 7P và chiến lược Marketing Mix Dịch Vụ
- 10 Phương thức mua bán giao dịch trên thị trường Quốc tế – Tài Liệu QTXNK
Theo Nhóm Sinh Viên Nghiên Cứu UEH – CMK39