Ở nội dung trước, Cẩm Nang Chia Sẻ đã giúp các bạn hiểu được mô hình kim cương của Michael Porter là gì. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nghiên cứu và ứng dụng mô hình này vào thực tiễn. Cụ thể, đó là việc phân tích lợi thế cạnh tranh của Hạt Điều Việt Nam Xuất Khẩu (thuộc ngành Nông Sản) sang các thị trường Hà Lan khi so sánh với Ấn Độ.
Thời gian vừa qua, mặc dù nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng các sản phẩm nông sản Việt Nam đang có dấu hiệu giảm xuống nhưng xuất khẩu hạt điều Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được mức tăng trưởng ổn định. Sự gia tăng xuất khẩu hạt điều sang các khu vực Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành hạt điều nước ta trong năm 2015. Đặc biệt, Châu Âu là khu vực có tiềm năng rất lớn cho việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam. Vì phần lớn thu nhập lẫn nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này là cao hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Điều đó được thể hiện khi hàng hoá Việt Nam đã xuất khẩu vào Hà Lan – Thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam ở khu vực Châu Âu (sau Đức và Anh). Năm 2014, cả nước xuất khẩu điều đạt giá trị trên 2 tỷ USD (cả nhân điều và dầu vỏ hạt điều) và là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều, xếp vị trí thứ hai là Ấn Độ.
Sau khi sự kiện đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc thành công vào ngày 05/10/2015 thì nền kinh tế Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ có những bước chuyển mới. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật – Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Vietsurvey Research & Analysis nhận định rằng, có tới 75% hàng hoá Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định TPP được ký kết. Trong đó, hạt điều thuộc nhóm hàng có sức cạnh tranh tương đối tốt. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhưng cũng không ít những thách thức theo sau.
Do đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh sẽ là việc làm cần thiết ngay bây giờ cho ngành điều Việt Nam nhằm giúp nước ta duy trì ngôi vị dẫn đầu Thế giới về xuất khẩu điều.
Nội Dung Chính
Tổng Quan về thị trường Hạt Điều – Ngành Nông Sản
Tổng quan thị trường hạt điều Việt Nam
Là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp cho sự phát triển của cây điều. Tuy nhiên, trước năm 1990, Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu hạt điều thô, giá trị kinh tế thấp nên thường xuyên bị ép giá ở nước ngoài.
Năm 1990 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với ngành điều Việt Nam. Ngày 29/11/1990 Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Công Nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) đã có Quyết định số 346 /NN-TCCB/QĐ v/v: thành lập Hiệp hội cây điều Việt Nam với tên giao dịch bằng tiếng Anh: Vietnam Cashew Association (VINACAS). VINACAS giúp các hội viên tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên, giúp nhau cùng phát triển, khuyến nghị hội viên nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín thương hiệu của ngành điều, để ngành điều phát triển bền vững, có vị trí xứng đáng trong và ngoài nước để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Năm 2006, Việt Nam đã vượt Ấn Độ – cường quốc về cây điều – để trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới.
Những năm gần đây mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, ngành điều Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tuy diện tích cây điều bị suy giảm nhưng năng suất cây điều ngày càng tăng nên nhiều vùng, nhiều hộ nông dân trồng điều vẫn xoá được đói, giảm được nghèo thậm chí còn khá hơn từ trồng điều. Công nghiệp chế biến dần hoàn thiện, ngày càng đi vào công nghiệp hoá, thân thiện với môi trường hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.
Việt Nam hiện đang dẫn đầu về xuất khẩu hạt điều trên thế giới. Theo Vinacas, điều nhân và các sản phẩm chế biến sâu của hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Cơ sở lựa chọn Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam
Điều đầu tiên cần nhắc đến đó là Hà Lan luôn nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ hạt điều của Việt Nam. Điển hình là việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang Hà Lan trong 2 tháng đầu năm 2015 tăng so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 49,6%).
Thứ hai, Hà Lan là nước thuộc khối kinh tế phát triển của thế giới, là thành viên của EU nên việc xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan cũng là bước ngoặc để Việt Nam có thể mở rộng hợp tác giao thương với những nước còn lại trong khu vực EU không chỉ về hạt điều mà còn có thể mở rộng sang những mặt hàng khác, nên việc tăng cường hợp tác với Hà Lan là điều kiện phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam và EU vừa kí kết xong Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên 2 bên sẽ dần xóa bỏ 99% dòng thuế điều này sẽ tác động tích cực đến hoạt động giao thương của 2 bên.
Thứ ba, Hà Lan là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Hà Lan đều tăng trưởng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt kim ngạch 3,44 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó riêng tháng 9/2015 đạt trị giá 437,66 triệu USD, tăng 3,2% so với tháng 8/2015.
Thứ tư, Hà Lan có nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới và thứ 6 châu Âu và nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng sống cao nhất thế giới, GDP bình quân đầu người là 52770 USD (năm 2015) do đó có thể thấy thị trường tiêu thụ hạt điều ở Hà Lan rất tốt.
Thứ năm, hạt điều là loại nông sản thuộc vùng nhiệt đới mà Hà Lan nằm trong khu vực ôn đới nên khó có thể trồng điều nên nhu cầu sử dụng hạt điều của Hà Lan hầu như là từ nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy sức mua sản phẩm hạt điều của người Hà Lan sẽ cao.
Cuối cùng, tình hình hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hà Lan cũng ngày càng phát triển. Hà Lan đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 Việt Nam tại Liên mimh Châu Âu. Hơn nữa, Hà Lan còn đứng thứ 11 trong các nước đầu tư FDI vào Việt Nam và đứng đầu nhà đầu tư FDI vào Việt Nam trong khối liên minh châu Âu. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7 năm 2014, Hà Lan đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 214 dự án và 6,45 tỷ USD vốn đăng ký; ngược lại, Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Hà Lan với tổng vốn đầu tư 6,26 triệu USD.
Cơ sở lựa chọn Ấn Độ để so sánh với Việt Nam
Ấn Độ từng là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều nhưng đã bị Việt Nam vươn lên giành vị trí số một thế giới. Đồng thời tại thị trường Hà Lan, Ấn Độ cũng là đối thủ mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu hạt điều đứng vị trí thứ hai sau Việt Nam.Vì vậy, Ấn Độ luôn cố gắng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hạt điều để giành lại vị trí dẫn đầu thế giới. Cho nên, Việt Nam có thể xem đây là đối thủ cạnh tranh đáng chú ý nhất trong thị trường hạt điều.
Thứ hai, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điều kiện tương đồng với nhau về khí hậu nhiệt đới, nguồn lao động dồi dào, có nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất điều, bình quân khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm. Với những điều kiện tương đồng như vậy thì việc so sánh trở nên khách quan hơn.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy rằng, Việt Nam và Ấn Độ cũng có mối quan hệ hợp tác tốt với nhau. Ấn Độ và Việt Nam tuy là đối thủ cạnh tranh của nhau với nhau trong thị trường hạt điều nhưng cũng vừa là nước nhập khẩu hạt điều quan trọng của Việt Nam.
Phân tích lợi thế cạnh tranh của hạt điều Việt Nam so với Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường Hà Lan (theo mô hình kim cương của Michael Porter)
Tính có sẵn của yếu tố sản xuẩt:
Việt Nam:
- Yếu tố cơ bản:
Hạt điều hiện nay được người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu, Australia ưa chuộng và là thực phẩm không thể thiếu hàng ngày bởi những giá trị dinh dưỡng mà hạt điều mang lại giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch, đáy tháo đường.
Điều là cây công nghiệp quan trọng của nước ta. Đây là một trong những cây xuất khẩu mũi nhọn hiện nay, chỉ đứng sau gạo, cao su và cà phê. Việt Nam hiện đang đứng đầu trong các nước xuất khẩu nhân điều trên thế giới từ năm 2006 đến nay, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho cả người trồng lẫn các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu nhân điều sang hơn 50 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia (chiếm 82% thị phần), New Zealand,…
Điều là cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt trong kiểu khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, với lượng mưa hằng năm khoảng 1000mm – 2000mm, phù hợp với loại đất đỏ bazan nên cây điều được trồng từ Quảng Trị vào các tỉnh phía Nam. Cây điều được trồng nhiều ở ba vùng chính ở nước ta với điều kiện sinh thái và sản xuất tương đối khác nhau:
- Vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương…): là vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu ổn định và phù hợp nhất với cây điều. Đây cũng là vùng trồng điều lớn nhất cả nước. Với diện tích đất bazan màu mỡ của vùng Đông Nam Bộ rất thuận lợi cho sự phát triển tối ưu của cây điều và cho năng suất cao.
- Vùng Tây Nguyên (Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông…): là vùng có nhiệt độ thấp vào thời kỳ cây điều ra hoa đậu quả, hay bị hạn hán. Vì vậy, người dân chuyển sang trồng và phát triển cao su nên diện tích điều ngày càng giảm.
- Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên,…): là vùng có mưa rét vào thời kỳ ra hoa đậu quả, hạn hán bất thường và đất xấu.
Diện tích gieo trồng hạt điều giảm qua các năm từ 379.3 ngàn ha năm 2010 đến năm 2014 là 298.4 ngàn ha và diện tích thu hoạch hạt điều là 290.8 ngàn ha với tổng sản lượng là 344.9 ngàn tấn hạt (Niên giám thống kê sơ bộ 2014).
Kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2014 của Việt Nam ước đạt trên 2 tỷ USD, với lượng xuất khẩu khoảng 306 ngàn tấn nhân điều (Vinacas, 2015), tăng 21.9% so với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu còn tăng thêm nhờ các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm giá trị gia tăng nên nâng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.2 tỷ USD.
Việt Nam có đường bờ biển dài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và chuyên chở đường biển, thuận lợi cho xuất khẩu điều sang các nước trên thế giới.
Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thời kỳ mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Điều này cung cấp một lực lượng dồi dào cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều.
- Yếu tố cao cấp:
Cây điều là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nên so với một đồng bỏ ra cho cây tiêu hay cà phê thì cây điều lại mang lại hiệu quả cao hơn.
Ngành trồng và chế biến điều đã giải quyết một lượng lớn lao động trong nước khoảng 900.000 người với 400.000 người trong sản xuất và 500.000 người trong việc chế biến, nhất là lao động ở những vùng có điều kiện đất đai không thuận lợi như đất dốc, nghèo dinh dưỡng, không có công trình thủy lợi, vùng sâu, vùng xa, nơi người sản xuất còn nghèo, thiếu vốn. Lao động trong ngành điều chưa có trình độ cao, chủ yếu là lao động phổ thông thực hiện các công việc đơn giản như phơi hạt điều, tách vỏ lụa, những công việc không đòi hỏi trình độ cao nên mức lương được trả ở mức thấp, tạo lợi thế cho Việt Nam xuất khẩu điều ra thế giới.
Chất lượng hạt điều Việt Nam tốt nhất trên thế giới và kích cỡ hạt điều to hơn so với các nước khác vì người dân biết tiếp thu những tiến bộ về khoa học – kỹ thuật trồng điều. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến thường trộn điều Việt Nam với điều nước ngoài (có chất lượng thấp hơn điều trong nước) nên thương hiệu điều Việt Nam đang hòa vào chất lượng hạt điều với các nước trên thế giới làm giảm giá trị điều Viêt Nam.
Hiện nay, cả nước có trên 265 cơ sở chế biến điều, trong đó 30 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001, ISO14000, ISO 22000, BRC. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến chất lượng hạt điều bằng việc đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để tạo tâm lý tin tưởng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước an tâm sử dụng.
Việt Nam cũng đã phát triển công nghệ chế hạt điều dưới hình thức khác nhau như: rang còn vỏ lụa, rang muối và tráng (mật ong hoặc chocolate). Xuất khẩu những sản phẩm này càng làm tăng giá trị xuất khẩu của hạt điều.
Từ năm 2010, để tăng nguồn cung cấp điều thô để chế biến, Việt Nam đã có chương trình để phát triển diện tích điều ở Campuchia và Lào. Bằng cách này, sản lượng điều phục vụ cho công nghiệp chế biến ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu chế biến trong nước với công suất chế biến trong nước hiện nay là hơn 1,2 triệu tấn/năm. Năm 2014, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến nên các doanh nghiệp trong nước đã phải nhập khẩu khoảng 700 ngàn tấn điều thô nhập từ các nước châu Phi, Lào và Campuchia. Trong khi đó, sản xuất lượng điều trong nước chỉ chiếm gần một nửa lượng là 500 ngàn tấn.
Từ nhiều năm nay nước ta đã có công nghệ chế biến điều thô riêng thay vì nhập khẩu rất đắt từ nước ngoài. Với máy móc công nghệ cao, Việt Nam còn xuất khẩu các loại máy móc sang các nước chế biến hạt điều như Ấn Độ, Brazil,…
VINACAS đã đầu tư và hoàn thiện công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Vì vậy, số lượng lao động phục vụ cho ngành chế biến ngày càng giảm và giảm được chi phí trong công nghiệp chế biến hạt điều.
Các viện nghiên cứu và các trường đại học về nông nghiệp ở nước ta đã có những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng điều trong nước như: cải tạo đất trồng, phun thuốc chống sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu, ghép để cải tạo vườn điều. Điều đó làm năng suất điều bình quân của nước ta từ 0.82 tấn/ha (năm 2010) nay đã tăng lên 1.16 tấn/ha.
Hiện nay, VINACAS triển khai thành công dự án khuyến nông “Ghép cải tạo vườn điều” tại 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai với mục tiêu đạt tối thiểu 3 tấn/ ha điều sau ghép cải tạo.
Ấn Độ:
- Yếu tố cơ bản:
Cũng như Việt Nam, Ấn Độ là một quốc gia lớn trong ngành điều. Ấn Độ là quốc gia trồng và chế biến điều để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một trong những thị trường xuất khẩu của nhân điều Ấn Độ là Mỹ, UAE, Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Ả Rập Saudi, Pháp với Mỹ là thị trường xuất khẩu cao nhất chiếm 73% vào năm 2014.
Ở Ấn Độ, cây điều được trồng tại Kerala, Karnataka, Goa và dọc theo bờ biển phía Tây Maharashtra và Tamil Nadu, Andhra Pradesh, Orissa và dọc theo bờ biển phía đông của Tây Bengal. Hiện nay, Maharashtra đã vượt qua Kerala và đã trở thành nơi có diện tích trồng lớn nhất với tỷ lệ chiếm khoảng 32.03% diện tích cả nước Ấn Độ. Những vùng này là vùng có điều kiện tự nhiên với đất đai và khí hậu thích hợp cho việc trồng và phát triển cây điều.
Diện tích trồng điều ở Ấn Độ là khoảng 993 ngàn ha điều lớn gấp 3 lần so với diện tích điều ở Việt Nam nhưng năng suất hạt điều lại thấp hơn với 0.79 tấn/ha (thống kê vào năm 2013).
Tình trạng khan hiếm lao động trong ngành trồng và chế biến hạt điều ở Ấn Độ ngày càng tăng.
- Yếu tố cao cấp:
Hạt điều xuất khẩu của Ấn Độ với nhiều dạng khác nhau như: hạt điều nguyên vẹn hay bị vỡ, hạt điều rang và hạt điều còn vỏ lụa,… Các sản phẩm chế biến hạt điều của Ấn Độ tuy cũng đã đạt đến chất lượng nhất định nhưng không bằng các sản phẩm điều chế biến của Việt Nam. Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ tăng qua các năm và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường thế giới với hạt điều xuất khẩu từ Việt Nam.
Ấn Độ là nước chế biến hạt điều lớn trên thế giới, với thị phần 29% điều toàn cầu trong năm 2013. Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến. Do đó, Ấn Độ nhập khẩu tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn sản lượng của mình từ các nước sản xuất khác, chủ yếu là các nước ở châu Phi như như Bờ Biển Ngà, Benin, Ghana, Guinea Bissau, Tanzania.Với sản lượng nhập khẩu điều thô vào năm 2012 là 826 ngàn tấn.
Đến năm 2014, sản lượng điều chế biến của Việt Nam đã gấp ba lần của Ấn Độ và sáu lần Brazil. Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia xuất khẩu điều đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Chất lượng hạt điều của Ấn Độ còn thấp do kích cỡ hạt nhỏ và bị vỡ do kỹ thuật công nghệ còn chưa cao.
Phần lớn của các cơ sở chế biến hạt điều tại Ấn Độ đang hoạt động với mức độ sử dụng máy móc phục vụ cho chế biến thấp.
Ấn Độ cũng phải nhập các loại máy móc của Việt Nam để chế biên hạt điều như máy bóc vỏ lụa, máy cắt vỏ hạt điều,… với tỷ lệ hạt vỡ thấp hơn vì máy móc chế biến hạt điều ở Ấn Độ vẫn chưa đạt được công nghệ cao.
Kết luận:
Cũng như Việt Nam, điều trồng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến nên Ấn Độ cũng phải nhập khẩu một lượng lớn điều thô từ các nước khác để chế biến. Tuy nhiên, chất lượng hạt điều ở Việt Nam là tốt hơn so với Ấn Độ là do kích cỡ hạt của Việt Nam lớn hơn Ấn Độ và khi chế biến thì tỷ lệ hạt vỡ của Việt Nam lại thấp hơn Ấn Độ. Hơn nữa, chi phí trồng và chế biến của Việt Nam cũng thấp hơn do chi phí nhân công Việt Nam rẻ hơn và Việt Nam tự sản xuất các loại máy để chế biến, nên thu được lợi nhuận cao hơn.
Việt Nam muốn duy trì vị trí xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới nên ngày càng tăng năng suất cây điều thông qua sử dụng giống cây trồng có chất lượng và áp dụng các biện pháp cải tạo vườn điều thông qua việc áp dụng những công nghệ mới. Nhu cầu hạt điều trên thế giới là ngày càng tăng mà nước ta đang có lợi thế về công nghệ chế biến hạt điều, vì vậy nên duy trì những yếu tố hiện có và ngày càng áp dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ trong việc trồng và chế biến hạt điều xuất khẩu.
Các điều kiện về nhu cầu
Việt Nam:
Việt Nam tuy là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều nhưng tại thị trường nội địa mức tiêu thụ của Việt Nam lại rất thấp so với các quốc gia khác. Theo ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, hiện nay, đại đa số sản lượng nhân điều vẫn đang phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng sản lượng ngành điều trong nước. Cụ thể, đến năm 2015, chế biến được 190 ngàn tấn nhân điều thô. Trong đó, 150 ngàn tấn nhân thô cho xuất khẩu, 30 nghìn tấn chế biến sâu và tiêu dùng trong nước là 10 ngàn tấn (chiếm 5,3%). Đây là một con số khá khiêm tốn nếu so với lượng nhân điều được tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ (khoảng 200 ngàn tấn/năm). Vì vậy, sau nhiều năm lo theo đuổi xuất khẩu hạt điều sang các quốc gia khác trên thế giới thì năm 2015 Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến nhu cầu tiêu thụ hạt điều của nội địa.
Trước đây, thị trường nội địa tiêu thụ hạt điều còn thấp do giá cả hạt điều còn khá cao so với thu nhập còn ở mức trung bình của người dân. Nhưng những năm gần đây, theo ông Đặng Hoàng Giang – Phó chủ tịch VINACAS thì giá cả hạt điều đã giảm nhiều phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam nhưng mức tiêu thụ vẫn còn thấp. Lý do sản phẩm hàng hóa chế biến từ hạt điều của Việt Nam còn khá đơn giản, mới chỉ dừng lại ở điều rang muối, điều sấy, kẹo hoặc bánh có nhân điều, chưa sản xuất ra những sản phẩm mà thành phần chủ yếu là hạt điều; cùng với việc quảng bá sản phẩm và công tác tiếp thị chưa đạt hiệu quả cao.
Hơn nữa, hạt điều là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe nhưng tại thị trường Việt Nam xem hạt điều như là một loại thức ăn thông thường, chưa nhận biết được hết giá trị dinh dưỡng của hạt điều; chỉ được tiêu thụ nhiều vào các dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán và gần như các gia đình có thu nhập cao hoặc được biếu tặng mới sử dụng nên chưa được phổ biến đến mọi người, người dân chưa có thói quen sử dụng hạt điều trong cuộc sống hàng ngày; điều đó cũng ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hạt điều nội địa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng khá quan trọng ảnh hưởng đến mức tiêu thụ điều nhân nội địa của Việt Nam là do hệ thống phân phối hạt điều nhân còn hạn chế; chưa tạo sự thuận tiện, dễ dàng cho người tiêu dùng tiếp cận đến hạt điều. Chính vì vậy, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng để có thể nâng cao mức tiêu thụ điều nội địa ngoài việc tăng cường quảng cáo,tiếp thị sản phẩm hay đa dạng hóa sản phẩm thì cần phải tập trung nâng cao, mở rộng hệ thống phân phối để người dân dễ dàng tiếp cận.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ hạt điều của Việt Nam ngày càng mở rộng. Thị trường tiêu thụ trong nước cũng dần gia tang và Việt Nam đã xuất khẩu hạt điều sang hơn 50 quốc gia trên thế giới. Qua đó cho thấy nhu cầu tiêu thụ hạt điều Việt Nam ngày càng gia tăng; điều đó cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất hạt điều cần phải ngày càng nâng cao chất lượng hạt điều để phát huy lợi thế cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu điều trong nước chỉ chiếm 1/3 lượng điều chế biến, xuất khẩu nên Việt Nam cần đẩy mạnh và mở rộng diện tích trồng điều để đáp ứng lượng điều cần cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Ấn Độ:
Khác với Việt Nam, thị trường nội địa lại là đầu ra chủ yếu cho ngành công nghiệp hạt điều của Ấn Độ sau khi Việt Nam giành lấy vị trí đứng đầu xuất khẩu hạt điều trên thế giới. Thị trường hạt điều nội địa của nước này rất lớn chiếm 40-50% và đang dẫn đầu thế giới. Do Ấn Độ là một nước có dân số đông, thu nhập của người dân Ấn Độ cũng ngày càng tăng lên nên nhu cầu tiêu thụ điều cũng tăng lên đáng kể. Và do bán cho người dân trong nước đỡ tốn chi phí hơn, thanh toán nhanh chóng và thủ tục dễ dàng hơn nên hầu như những nhà xuất khẩu hạt điều Ấn Độ cũng thích bán cho người dân nội địa nhiều hơn.
Tốc độ tăng trưởng trong việc tiêu thụ bánh kẹo, thức ăn ngọt và sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại của người dân Ấn Độ cũng góp phần tăng tỷ lệ tiêu thụ điều nội địa. Hơn 45% điều nội địa đưa vào sản xuất chung với các loại bánh kẹo và chế biến thực phẩm hằng ngày nên hạt điều có thể dễ dàng hiện diện trong đời sống của người dân Ấn Độ và được xem là mặt hàng quan trọng của họ. Hơn nữa, Ấn Độ lại là nước có nhiều lễ hội mà trong các lễ hội đó lại thường tiêu thụ lượng điều lớn nên điều này lại một lần nữa chứng tỏ rằng thị trường hạt điều nội địa là nơi tiêu dùng chủ yếu cho hạt điều Ấn Độ.
Bên cạnh đó, các nhà doanh nghiệp hạt điều của Ấn Độ biết tận dụng được lợi thế về dân số đông cũng như diện tích rộng lớn của đất nước mình đã đầu tư vào hệ thống phân phối điều nhân hiệu quả hơn Việt Nam, hầu như từ kênh phân phối truyền thống ( chợ phiên, chợ làng hay lễ hội..) đến các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện ích..) đều có mặt của hạt điều; nhờ vậy mà người dân họ có thể dễ dàng tiếp cận với hạt điều hơn, tạo thói quen tiêu dùng hạt điều cho người dân.
Trước năm 2000, Ấn Độ chỉ xuất khẩu nhân hạt điều từ nguồn hạt điều thô nhập khẩu, còn nhân điều trong nước thì dùng để phục vụ cho nhu cầu trong nước.Nhưng hiện nay nhu cầu nội địa của Ấn Độ đã tăng lên rất nhiều để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điều của người dân nội địa Ấn Độ còn phải nhập khẩu điều thô về để chế biến cho người dân sử dụng.
Kết luận:
Từ những phân tích trên ta thấy Ấn Độ có lợi thế hơn Việt Nam về khả năng tiêu thụ hạt điều của người dân trong nước. Thị trường nội địa có thể xem là đầu ra ổn định cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Còn Việt Nam hầu như phải lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ điều từ nước ngoài nhưng thị trường này thì không được coi là ổn định, luôn bấp bênh vì luôn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ cạnh tranh, việc tiêu thụ điều của người dân nước ngoài có thể bị thay đổi nếu như điều Việt Nam không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng điều.
Các ngành công nghiệp liên kết và phụ trợ
Việt Nam:
- Công nghiệp chế tạo máy:
Một trong những ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng đối với ngành điều Việt Nam là công nghiệp chế tạo máy. Công nghiệp chế tạo máy chế biến điều đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây. Máy móc và công nghệ đã không còn đơn lẻ nữa mà tạo thành những dây chuyền khép kín có tính tự động khá cao.
Hiện nay, hơn 80% thiết bị tại các nhà máy chế biến điều đều do các công ty, cơ sở sản xuất trong nước chế. Ngành chế biến xuất khẩu hạt điều có chín công đoạn thì hiện nay tám công đoạn sử dụng máy móc, thiết bị trong nước. Các doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị trong nước không chỉ bởi bởi giá thành rẻ, hiệu quả và chất lượng cao mà còn có nhiều cải tiến đáng kể.
Nếu trước đây một cái máy bóc vỏ lụa mua từ Ý có giá tới 27.000 euro (gần 650 triệu đồng tính theo tỉ giá hiện nay) thì hiện nay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hạt điều Việt chỉ phải bỏ ra 250 triệu đồng do sử dụng công nghệ trong nước. Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp chế biến hạt điều đều sử dụng máy móc trong nước sản xuất. Không chỉ tiết kiệm được hàng tỉ đồng chi phí đầu tư máy móc, thiết bị mà điều đáng nói là chất lượng, công nghệ máy móc Việt Nam còn hiệu quả, chính xác không thua kém hàng ngoại. Đơn cử như chiếc máy cắt vỏ cứng hạt điều của Việt Nam có thể cắt tốt nhiều loại hạt kích cỡ khác nhau với tỷ lệ hao hụt rất ít, dưới 10%. Riêng phần này thì máy của Italia được xem là hiện đại nhất cũng “chào thua” bởi tỷ lệ bể tới 25%. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas (2012) nói: “Italia đã có 30 năm nghiên cứu và chế tạo máy. Nếu so sánh giữa máy chế biến hạt điều do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với máy của Italia thì máy của Việt Nam có những ưu điểm, như: giá rẻ, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do các nhà chế tạo máy trong nước đi sau nên đã khắc phục được nhiều lỗi mà máy của Italia chưa khắc phục được”.
Ngoài ra, máy móc, thiết bị trong nước có nhiều cải tiến. Trong lần trình diễn máy chế biến hạt điều năm 2015, các loại máy thuộc thế hệ thứ 3 đã có những bước tiến xa hơn so với những máy thế hệ trước nhiều, như: công suất lớn hơn, máy cắt tách vỏ hạt điều đạt 1 ngàn kg/giờ, dễ sử dụng; máy bóc vỏ lụa tỷ lệ hạt sạch trên băng tải đã đạt khoảng 85-90%, tỷ lệ sạch cao, các tạp chất dính trong hạt đã được loại bỏ tốt. Máy còn có thể tách các sản phẩm phụ, như: bể đôi, bể nát và tạp chất làm cho sản phẩm trắng và sạch hơn. Nhiều loại máy khác, như: phân loại màu, rang hạt điều, lò li tâm xả đáy, máy đo độ ẩm… đã được cải tiến nhiều.
Điều này hoàn toàn khác với cách đây 4-5 năm. Khi đó doanh nghiệp điều hầu như phải nhập khẩu 100% máy móc từ Trung Quốc, Ý, Ấn Độ. Có những loại máy nhập từ Ý giá hơn 1 tỉ đồng, sắm hết chín công đoạn, mỗi doanh nghiệp phải bỏ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đối với những công ty quy mô lớn. Để khắc phục tình trạng phải phụ thuộc máy móc ngoại, doanh nghiệp điều đã liên kết với các doanh nghiệp cơ khí trong nước nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại máy móc, thiết bị cho các công đoạn chế biến xuất khẩu hạt điều.
Nhờ vậy mà hiện nay, máy móc thiết bị do Việt Nam chế tạo không những phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (2015) cho biết, hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp hội viên xuất khẩu được máy móc, thiết bị ngành điều có độ chính xác cao như máy sấy, đo độ ẩm, dò kim loại, phân tách màu, phân tách cỡ hạt, khử trùng, đóng gói thành phẩm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành điều còn chế tạo những máy móc chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, điều chiên, điều snack… xuất khẩu. Chính điều này làm tăng giá trị của hạt điều Việt.
- Công nghiệp chế biến:
Chế biến là một trong những khâu quan trọng của chuỗi giá trị hạt điều. Mỗi quốc gia đều có những cách chế biến và công đoạn chế biến điều riêng. Việt Nam đã hình thành được một ngành công nghiệp chế biến điều chủ yếu bằng máy móc công nghệ trong nước, giúp giảm được khá nhiều nhân công, giảm mạnh chi phí sản xuất, tỷ lệ nhân thu hồi cao, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt.
Đối với ngành công nghiệp chế biến điều của Việt Nam, một trong các vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu nhất là phải sử dụng nhiều công lao động trong thời buổi tuyển người rất khó. Ông Phạm Văn Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (2015), chia sẻ: “Trong tình hình thiếu hụt lao động như hiện nay nếu máy móc không giải quyết được khâu nhân công thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn công nhân trẻ thường tìm đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để làm việc, còn ở các doanh nghiệp chế biến hạt điều số đông ở lứa tuổi 40. Tình trạng cạnh tranh lao động giữa ngành chế biến hạt điều với các ngành khác là rất khốc liệt”.
Tuy nhiên, các thế hệ máy móc mới do trong nước sản xuất đã và đang hạn chế được điều này. Máy cắt tách và bóc vỏ lụa nhân điều hiện nay đã giúp giảm được 70% lao động so với trước đây. Không chỉ chủ động được công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư máy móc, doanh nghiệp hạt điều còn giảm được chi phí nhân công. Theo ông Công, hầu như hiện nay các máy móc của công ty đều tự động hóa, độ chính xác cao nên sử dụng lao động rất ít. Nếu trước đây cần khoảng 100 lao động thì với máy móc trong nước sản xuất chỉ cần 20-30 lao động. Điều này giúp giảm được nhiều chi phí, giảm được giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo các nhà chế biến hạt điều xuất khẩu, việc ít tham gia lao động bằng tay trong quá trình sản xuất càng tăng độ an toàn cho sản phẩm.
Với các tính năng vượt trội, hiệu qủa và độ chính xác cao của máy móc thiết bị Việt Nam, cho sản phẩm đều, đẹp, tỉ lệ vỡ và gãy hạt ít, tỉ lệ hao hụt ít, ít tạp chất…nên hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, ngành công nghiệp chế biến ngày càng đi vào chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, điều chiên, điều snack… xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Vinacas, nhân điều sơ chế vẫn chiếm 90%. Trong khi đó, những sản phẩm cho giá trị gia tăng cao hơn như điều tẩm gia vị, điều rang muối, điều mật ong, bánh kẹo điều, dầu điều… lại chiếm chưa tới 10%.
Ngoài ra, yêu cầu của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa ngày càng cao cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp chế biến trong nước phải tập trung giải quyết. Để đảm bảo ngành công nghiệp chế biến điều Việt Nam phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng “sản xuất sạch hơn,” tập trung nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhằm gia tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong chế biến điều.
- Ngành phân bón
Hiện nay, ngành phân bón Việt Nam đang trên đà phát triển, dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhập khẩu. Thực tế cho thấy, trong năm 2014, Việt Nam đã đủ khả năng đáp ứng 80% nhu cầu nội địa phân bón. Bộ NN&PTNN cho biết, nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, mặc dù thị phần năm 2015 thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn chiếm tới 46,2% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.
Ngành phân bón Việt Nam hiện nay vẫn có khá nhiều bất cập, do lợi nhuận thu hút nên đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng đưa ra thị trường. Các sản phẩm này vừa có nguồn gốc ở một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước, vừa xuất hiện ở mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về. Mất mùa, năng suất kém là hậu quả mà người nông dân đang phải gánh chịu cho tình trạng phân bón giả, kém chất lượng dù đã dày công chăm sóc.
- Ngành thuốc bảo vệ thực vật
Ngành sản xuất các loại hoá chất tổng hợp dùng cho bảo vệ thực vật trong nước hiện nay chưa phát triển. Thực tế sản xuất ngành thuốc bảo vệ thực vật trong nước hiện nay cho thấy phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước thường không sản xuất mà nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu về, sau đó chế biến gia công đóng gói hoặc đóng chai rồi bán ra thị trường.
Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ những năm 50 của thế kỷ trước và giá trị sử dụng hiện ở mức 20.000 – 24.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hùng – Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIFA) – nước ta chưa vượt ra khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật”, tức là chúng ta chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật quốc gia. Gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm đều phải nhập của nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc).
Ấn Độ:
- Công nghiệp chế tạo máy:
Là nước đi trước trong ngành điều so với Việt Nam nên các máy móc, thiết bị chế biến điều của Ấn Độ không chỉ được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do giá thành cao nên trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp chế biến điều của Ấn Độ lại đi mua máy móc của Việt Nam để giảm bớt chi phí sản xuất.
- Công nghiệp chế biến điều:
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến điều ở Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công, mỗi vùng khác nhau có phương pháp chế biến khác nhau. Ví dụ: ở khu vực Mangalore của bang Karnataka sử dụng phương pháp hấp và những khu vực Orissa và Andhra Pradesh thì sử dụng phương pháp chiên.
Chính vì qui trình chế biến có mức cơ giới hóa chưa cao như ở Việt Nam nên ngành chế biến điều Ấn Độ tốn nhiều lao động dẫn phải trả một lượng lớn chi phí nhân công. Một trong những vấn nạn hiện nay của ngành là các tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc của công nhân thấp, công nhân bị bóc lột nhiều với cường độ lao động cao. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều nhân công trong khâu chế biến cũng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như làm giảm độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, vào thời gian gần đây, các đối tác ở Ấn Độ đang phát triển ngành công nghiệp chế biến điều tại vùng nguyên liệu châu Phi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của họ.
- Ngành phân bón:
Vấn đề của ngành sản xuất phân bón tại đây là các nhà sản xuất phải cung ứng phân bón cho nông dân với giá cố định, vì chính phủ cho rằng các nhà sản xuất phân bón phải bán sản phẩm ở mức giá mà nông dân có thể chấp nhận được. Tuy nhiên chi phí sản xuất không ngừng tăng cao vì giá nguyên liệu tăng kéo theo sự suy giảm sản xuất. Một vấn đề khác tại Ấn Độ là ngành sản xuất nhiên liệu nhận được trợ cấp nhiên liệu của chính phủ và cung ứng nguyên, nhiên liệu cho lĩnh vực sản xuất phân bón và các ngành khác, trong khi đó các công ty phân bón sử dụng nguyên liệu khí thiên nhiên lại không nhận được trợ cấp này. Chính vì khả năng sản xuất trong nước suy giảm, thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất một số loại phân bón cùng nhu cầu tiêu thụ lớn nên Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu mặt hàng này.
- Ngành thuốc bảo vệ thực vật:
Ấn Độ có ngành công nghiệp thuốc bảo vệ thực vật phát triển mạnh. Theo PMFAI (Hội các nhà sản xuất và chế biến thuốc bảo vệ thực vật Ấn Độ), ngành hóa – nông nghiệp Ấn Độ hiện đứng thứ hai châu Á, và thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc với tổng doanh thu trong năm 2012 là 12 tỉ đô la Mỹ. Hiện một trong những thế mạnh của ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của Ấn Độ là những sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học. Đây cũng được xem là lợi thế giúp hạt điều Ấn Độ mang lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Kết luận
Nhìn chung, các ngành hỗ trợ có liên quan của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với Ấn Độ. Trong đó, ngành chế biến điều có vai trò quan trọng hơn cả vì chế biến là một trong những khâu quan trọng của chuỗi giá trị hạt điều. Một ngành công nghiệp chế biến điều được tập trung phát triển, độ cơ giới hóa cao, sử dụng chủ yếu máy móc công nghệ trong nước giá thành rẻ, hiệu quả và chất lượng cao đã giúp Việt Nam đã giảm được khá nhiều nhân công, giảm mạnh chi phí sản xuất, tỷ lệ nhân thu hồi cao, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt. Từ đó, tăng tính cạnh tranh cho ngành điều Việt Nam trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, cần tập trung phát triển vào chế biến sâu các sản phẩm có giá trị cao như điều tẩm gia vị, điều rang muối, điều mật ong, bánh kẹo điều, dầu điều… cũng như chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa ngành điều Việt Nam phát triển bền vững.
Chiến lược, cơ cấu và năng lực của doanh nghiệp:
Việt Nam:
Hiện nay, dù kim ngạch xuất khẩu cao nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu hạt điều nguyên liệu đứng thứ hai trên thế giới. Vì vậy, ngành điều đang hướng đến quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu lâu dài và hướng tới xuất khẩu bền vững.
- Lỗ hổng từ vùng nguyên liệu
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính hằng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 500.000 – 600.000 tấn điều thô (bao gồm khoảng 250.000 – 300.000 tấn từ châu Phi). Sản lượng nhập đang tăng lên từng năm. Trong đó, năm 2013, Việt Nam mua điều thô từ 15 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 490,6 triệu USD – tăng gấp đôi so với năm 2012.
Nhu cầu điều nguyên liệu lớn nhưng việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước đang vô cùng khó khăn. Nguyên nhân do trồng điều, người dân có thu nhập không cao. Cụ thể, lợi nhuận trung bình một ha điều ở khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ, người dân chỉ nhận được 1,39 triệu đồng/năm và vùng Đông Nam Bộ cao hơn với 9,41 triệu đồng/năm. Mức lợi nhuận này khá thấp và có sự chênh lệch cao giữa các vùng miền. Do đó, nhiều nông dân đã phá bỏ cây điều để chuyển sang các loại cây khác có giá trị cao hơn như: Cà phê, tiêu, xoài, cao su… Từ năm 2005 – 2013, diện tích trồng điều giảm mạnh, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ (88.399 ha), duyên hải Nam Trung bộ (hơn 16.900ha), Tây Nguyên (14.111ha)… (số liệu từ Báo Công Thương Việt Nam).
- Các doanh nghiệp trong nước chưa thật sự chú trọng đến việc chế biến hạt điều sâu
Theo báo cáo của hiệp hội điều Việt Nam Vinacas, tỷ trọng hạt điều xuất khẩu được chế biến sâu đã tăng từ 5% vào năm 2014 lên 7% trong năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng mà ngành điều Việt Nam mang lại trong khi hiện nay chúng ta đang chiếm hơn 50% giá trị thương mại ngành hạt điều trên toàn cầu.
Nguyên nhân từ công nghệ chế biến điều Việt Nam vẫn còn đó những hạn chế nhất định nên các doanh nghiệp chế biến điều thường chọn việc xuất khẩu nhân điều thô để né các hàng rào tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.
Thứ hai, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa được tốt và nếu như các doanh nghiệp nhỏ này bán lại sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới thì hoá ra các doanh nghiệp lớn lại là người bị hại.
Chính vì thế, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc chế biến điều sâu.
- Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành điều
Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối đã có những báo cáo liên quan đến việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ điều do Bộ NN & PTNT tổ chức. Qua đó, sản phẩm nhân hạt điều Việt Nam hiện vẫn đang được các nước chấp nhận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển – nơi yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Nhưng với tỷ lệ 45% cơ sở, doanh nghiệp Việt Nam không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khiến ngành điều gặp những khó khăn trong thời gian tới.
Cụ thể, trong năm 2014, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, trong số 265 cơ sở, doanh nghiệp chế biến hạt điều hiện nay, chỉ có 30 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn như HACCP, ISO 9001, ISO 1400, ISO 2200. Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình với 5-7 lao động và thường không được đầu tư máy móc, thiết bị nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.
- Xây dựng thương hiệu điều
Việt Nam đang là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 2006. Hạt điều của Việt Nam có chất lượng và hương vị ngon nhất thế giới nhưng lâu nay, chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm điều nhân đóng gói nhưng vẫn chưa có thương hiệu. Chính vì thế, Hiệp hội điều Vinacas đã có kế hoạch trình Bộ NN & PTNT phát triển Đề án nhằm xây dựng thương hiệu cho hạt điều Việt Nam, để từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Cụ thể, Đề án này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề: xây dựng thương hiệu điều quốc gia, xây dựng chỉ dẫn địa lý điều cho các địa phương trồng điều trọng điểm. Mục đích chính của Đề án là làm thế nào để hỗ trợ tối đa giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Ấn Độ:
- Các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt vì chi phí sản xuất tăng
Điều quan trọng trong xuất khẩu hạt điều Ấn Độ vẫn là vấn đề liên quan đến chi phí. Các doanh nghiệp Ấn Độ cho rằng, việc phải nhập khẩu trang thiết bị, máy móc sản xuất hạt điều tiên tiến cùng với giá thuê nhân công ngày một tăng là các yếu tố khiến cho chi phí sản xuất đầu vào của họ tăng cao. Hơn nữa, các rào cản thương mại từ những quốc gia nhập khẩu điều ngày càng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện liên quan đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, đóng gói,… cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điều tại Ấn Độ.
Chính vì thế, các doanh nghiệp tại Ấn Độ đã phải cạnh tranh rất gay gắt. Một số doanh nghiệp không những sử dụng các máy móc thiết bị do chính họ sản xuất mà còn nhập khẩu máy móc tiên tiến nhất về để sản xuất hạt điều (cụ thể là nhập khẩu máy móc từ đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Việt Nam). Một số doanh nghiệp khác đã chấp nhận đặt nhà máy sản xuất tại một nước khác có giá nhân công rẻ hơn để sản xuất hạt điều rồi sau đó nhập khẩu về quốc gia mình để tiêu thụ sản phẩm. Dĩ nhiên, quốc gia hàng đầu đủ các tiêu chuẩn hàng đầu mà Ấn Độ đặt ra không ai khác chính là Việt Nam.
Ông S. Sankaranarayanan đến từ Công ty Swathy Enterprises – Nhà xuất khẩu điều lớn ở bang Kerala Ấn Độ đã trả lời phỏng vấn với Báo The Dollar Business: “Ấn Độ từng là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất, nhưng Việt Nam và Brazil đã phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp chế biến với sự hỗ trợ của ngành cơ khí và tự động hóa”. Vì thế, một số công ty xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ đang muốn gia tăng sự có mặt của họ ở hầu hết các thị trường trên Thế giới nhằm mục đích chiếm lĩnh những thị trường xuất khẩu thế mạnh mà Việt Nam hiện đang có.
- Xuất khẩu điều Ấn Độ đang có dấu hiệu suy giảm gây khó khăn cho các doanh nghiệp Ấn Độ
Cụ thể, lượng điều xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 12% xuống còn 46.240 tấn trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2.031 triệu Rs, giảm 4% mặc dù giá bán tăng.
Theo Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu điều của Ấn Độ (CEPCI), kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ hiện giảm mạnh là do các công ty xuất khẩu hạt điều nước ngoài đã hạ cấp sản phẩm hạt điều ghi trong hóa đơn để tránh mức thuế nhập khẩu lên tới 35%.
Bên cạnh đó, ông A.Abdul Salam – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu hạt điều Ấn Độ còn báo động, một lượng lớn hạt điều nhân đang tràn vào thị trường Ấn Độ dưới dạng thức ăn gia chăn nuôi, làm cho nguồn thu ngân sách của chính phủ từ hạt điều tiếp tục giảm. Trong khi đó, các công ty xuất khẩu hạt điều của các nước khác lại xuất khẩu mặt hàng này với mức giá thấp nhờ được trợ giá, miễn giảm thuế và lao động rẻ.
Kết luận:
Việc trồng điều ở Việt Nam đã được cải thiện và hoạt động kinh doanh điều của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện khá tích cực trên thị trường thế giới. Do đó, việc tăng xuất khẩu điều của Việt Nam đã làm thị phần điều của Ấn Độ suy giảm. Hơn nữa, chi phí sản xuất thấp hơn cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể cung cấp điều với giá cả cạnh tranh so với Ấn Độ.
Cơ hội:
Việt Nam:
Các doanh nghiệp đang tập trung xuất khẩu điều sang Trung Quốc vì giá nhân điều xuất khẩu sang đây đang cao. Doanh nghiệp từ Mỹ, EU,…sau khi kí hợp đồng phải chờ 2 tháng mới nhận được hàng.
Thị trường tiêu thụ điều của thế giới hiện nay là khoảng 3 tỷ người, trong đó xu hướng tiêu thụ điều của giới trẻ đang tăng nên cơ hội mở rộng thị trường cho hạt điều chế biến từ Việt Nam là rất lớn. Tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2014 diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu vừa qua các chuyên gia cũng nhận định rằng Việt Nam vẫn sẽ là nước có vị thế lớn trong ngành xuất khẩu điều. Bên cạnh đó, các công ty đến từ Nhật Bản và Mỹ cũng đặt vấn đề đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật để chế biến sâu và mong muốn gắn kết làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì hạt điều Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn so với Ấn Độ và Brazil tại Mỹ. Đó là thông tin của ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas). Ông cho biết, sau khi trở về từ đợt xúc tiến thương mại thị trường Mỹ. Đoàn xúc tiến thương mại quốc gia do Vinacas chủ trì đã làm việc với các nhà nhập khẩu, Hiệp hội thương mại và Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) tại New York, New Jersey, Washington và Los Angeles. Tại các địa điểm trên Vinacas đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI) , gặp gỡ 15 tập đoàn kinh doanh các loại hạt ăn được lớn nhất của Hoa Kỳ và thảo luận về các vấn đề tồn tại cũng như hướng giải quyết trong chất lượng sản phẩm với AFI và FDA.
Hiện tại giá hạnh nhân đang rất cao ở Mỹ nên người tiêu dùng chuyển qua ăn hạt điều, đây là điều rất có lợi cho xuất khẩu điều Việt Nam. Sau khi TPP được ký kết thì mức thuế sẽ không còn nên Việt Nam sẽ cạnh tranh công bằng so với Ấn Độ và Brazil.
Ấn Độ:
Từ nông dân cũng như từ các nhà xuất khẩu nhấn mạnh rằng hiện nay điều được xem như một loại cây làm vườn từ nghiên cứu và phát triển thời trước, là một dấu hiệu tốt đẹp. Bên cạnh đó, Ấn Độ có khả năng xử lý gần 700.000 tấn hạt điều. Điều này đã đóng góp đáng kể về dự trữ ngoại hối nhà nước và có một nhu cầu cấp thiết để tăng sản xuất trong nước, thay thế nguyên liệu nhập khẩu để lấy được những lợi ích tối đa từ quy trình chế biến và tiếp thị mạnh mẽ trong khả năng phát triển những năm qua của ngành công nghiệp hạt điều Ấn Độ. Các cây trồng đang dần được chấp nhận ở nhiều thị trường phương Tây, nơi người tiêu dùng nhiều sức khỏe có ý thức.
Mức độ lớn của đất có sẵn trong Karnataka, Maharashtra và Tây Bengal phù hợp cho việc thiết lập các đồn điền mới theo chương trình mở rộng điều. Ngoài ra còn có khả năng mở rộng trồng điều sang các lĩnh vực phi truyền thống ở Madhya Pradesh, Bihar,…
Với việc thành lập vườn mới sử dụng cây giống vô tính năng suất cao để nhân giống, tương lai có vẻ tươi sáng cho ngành công nghiệp hạt điều tại Ấn Độ.
- Kết luận
Việt Nam có lợi thế hơn Ấn Độ về giá tại thị trường Mỹ khi TPP được kí kết. Qui trình sản xuất hạt điều của Việt Nam có phần hiện đại hơn với sự hỗ trợ của các loại máy móc tiên tiến tự sản xuất trong nước và cũng có xuất khẩu sang chính thị trường Ấn Độ. Việt Nam có thị trường tiêu thụ rộng lớn là Trung Quốc và lợi thế hơn Ấn Độ về mặt vị trí địa lí nên giá điều sang Trung Quốc của Việt Nam cạnh tranh hơn so với Ấn Độ.
Ấn Độ chủ động về mặt nguyên liệu thô hơn Việt Nam với nhiều khu vực trồng và cung cấp điều trên khắp cả nước trong khi Việt Nam còn thụ động và chịu sự chi phối của lượng nguyên liệu nhập vào từ châu Phi.
Cả 2 quốc gia đều đang cạnh tranh nhau về đưa tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất điều, ở Việt Nam với kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo thay thế giống điều, thực hiện đào tạo “kỹ thuật ghép” thì bên phía Ấn Độ có vườn mới sử dụng cây giống vô tính năng suất cao để nhân giống à Sự cạnh tranh này làm cho chất lượng cũng như sản lượng của cả 2 quốc gia tăng lên, điều đó rất có lợi cho người tiêu dùng.
Chính phủ:
Việt Nam:
Phát biểu tại hội nghị sơ kết sản xuất, thâm canh và ghép cải tạo giống điều vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, thời gian tới, Bộ NN&PTNT coi cây điều là đối tượng tập trung đầu tư. Bộ sẽ đẩy mạnh chỉ đạo và phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện thâm canh, cải tạo vườn điều, cùng với đó là siết chặt công tác quản lí giống nhằm tăng năng suất, chất lượng điều. Cuối năm 2014, ông Nguyễn Đức Thanh đã phát động dự án “ghép cải tạo vườn điều”. Từ đó quyết định nhiều chính sách lớn cho ngành điều, chuẩn bị đón đầu cơ hội mới.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cũng từng khẳng định tại hội nghị ngành điều đã diễn ra tại Bình Phước 2014 rằng: “Điều là sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của Việt Nam. Khi hội nhập quốc tế, chúng ta càng có nhiều sản phẩm thể hiện rõ thế mạnh, tính đặc trưng thì càng có lợi thế cạnh tranh. Vì thế, tái cơ cấu ngành điều để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ được tập trung làm mạnh”.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt đã nhấn mạnh: “Từ nay đến năm 2020, ngành điều sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 60.000 ha tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định”. Vì thế, Bộ NN&PTNT đang tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo, bình tuyển cây đầu dòng, xây dựng vườn đầu dòng, vườn nhân giống ghép. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo thay thế giống điều, thực hiện đào tạo “kỹ thuật ghép” cho lực lượng kỹ thuật tại địa phương để triển khai nhân rộng cho bà con nông dân trồng điều.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các Cục, Vụ, Viện có liên quan và các địa phương đồng loạt vào cuộc, trong đó công tác cải tạo vườn điều được quan tâm đặc biệt. Gần 2 năm qua, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh – Trưởng Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững, liên tục xuống các địa phương để điều hành, gắn kết những tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm phát triển, nhân rộng phong trào cải tạo vườn điều.
Bằng sự nỗ lực rất lớn, đến nay, rất nhiều nông dân các địa phương trồng điều (Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng…) đã “xắn tay” vào thực hiện cải tạo, trẻ hóa vườn. Để động viên những nông dân chăm sóc tốt vườn điều, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng vừa ký tặng bằng khen cho 44 nông dân trồng điều giỏi, đi đầu trong công tác cải tạo vườn, làm hạt nhân phổ biến cách làm hay, hiệu quả ra các vùng miền trên cả nước.
Năm 2014 cũng chứng kiến Vinacas nỗ lực cùng các địa phương tổ chức hỗ trợ nông dân trồng điều, liên kết sản xuất và xuất khẩu điều theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quý I/2015, Cục Trồng trọt và Cục Bảo Vệ Thực Vật được lãnh đạo Bộ NN & PTNT giao nhiệm vụ phải ban hành “Tiêu chí và quy trình bình chọn cây đầu dòng” và “Quy trình thâm canh, ghép cải tạo vườn điều”. Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu điều chỉnh lại dự án khuyến nông theo định hướng trên nhằm hướng dẫn nông dân ghép cải tạo, trẻ hóa vườn điều nhanh và bền vững.
Ấn Độ:
Công việc nghiên cứu về cây điều đã được khởi xướng trên quy mô tương đối nhỏ trong những năm 1950 dẫn đến sự phát triển của một số kỹ thuật sản xuất. Những nỗ lực này đã được củng cố thêm khi các nhiệm vụ nghiên cứu quốc gia được giao cho Trung ương Viện nghiên cứu (CPCRI), Kasaragod, vào năm 1970 trong đó tất cả các dự án mũi nhọn của Ấn Độ đều tập trung phối hợp gia vị và cải thiện điều từ năm 1971. Các hoạt động nghiên cứu nhận thêm động lực với việc thực hiện một dự án điều đa Nhà nước và được Ngân hàng thế giới hỗ trợ giai đoạn 1982-1986. Một trung tâm nghiên cứu quốc gia về điều đã được thành lập tại Puttur để tăng sản xuất và năng suất của cây điều với cách tiếp cận nhiệm vụ vào năm 1986.
Các thành phần phát triển cây điều của Dự án phối hợp các loại gia vị Ấn Độ kết hợp và Dự án cải thiện điều đã không gắn kết và một dự án nghiên cứu điều quốc gia độc lập đã được khởi xướng với Trung tâm mới thành lập nghiên cứu quốc gia (NRC) cho nhiệm vụ cùng một lúc. Có 8 trung tâm nghiên cứu và một tiểu trung tâm hiện nay, nằm trong 8 vùng trồng điều trọng điểm trong nước. Điều này có thể được coi là một mốc quan trọng trong phát triển cây điều với mối liên hệ vững chắc với các giám đốc của Công ty Cổ phần Phát triển Hạt điều và các cơ quan khuyến nông khác mà hỗ trợ trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất mới phát triển.
Hạt điều là một sản phẩm cao cấp, phục vụ trong nước tại các lễ hội như lễ Eid và Diwali. Một số công nhân nhà máy cho biết họ được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo họ không được buôn lậu hạt bổ dưỡng.
- Kết luận:
Trong khi Bộ NN & PTNT Việt Nam coi cây điều trong thời gian tới là đối tượng mục tiêu để tập trung đầu tư phát triển thì Ấn Độ đang phát triển Dự án phối hợp các loại gia vị Ấn Độ kết hợp và Dự án cải thiện điều.
Cả 2 quốc gia đều chú trọng phát triển ngành điều để hỗ trợ người dân và xuất khẩu ra nước ngoài chiếm lĩnh thị trường các loại hạt ăn được.
Tổng kết
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều phải nhập một lượng lớn điều thô từ các nước khác nhưng do Việt Nam áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp có sự kết hợp và hỗ trợ của các loại máy móc hiện đại trong nước tự sản xuất nên chất lượng hạt điều cao hơn của Ấn Độ, đồng thời chi phí trồng trọt và chế biến cũng như giá nhân công rẻ hơn nên mặt hàng của ta cạnh tranh hơn.
Hiên tại, cả Việt Nam và Ấn Độ đều tập trung nghiên cứu cải tạo giống và nâng cao kỹ thuật trồng trọt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh nên chất lượng điều xuất khẩu của 2 nước được thế giới đánh giá khá cao (đặc biệt là Mỹ, Hà Lan, Anh). Còn về phần thị trường nội địa thì Việt Nam có phần thua thiệt so với Ấn Độ do lượng điều tiêu thụ trong nước chỉ chiếm phần nhỏ so với lượng sản xuất hàng năm.
Chính vì thế, những năm gần đây, các cấp lãnh đạo như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay phó Cục trưởng cục trồng trọt và chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam đã tích cực phát động các dự án đóng góp đáng kể cho việc phát triển ngành điều.
Hơn nữa, chúng ta có lợi thế hơn Ấn Độ khi TPP được ký kết vì các điều khoản bãi bỏ thuế nhập khẩu nhưng bên cạnh đó chúng ta nên cẩn thận và chủ động hơn với sản lượng điều thô nhập khẩu hàng năm vì sản lượng này bất ổn về khối lượng cũng như chất lượng có thể sẽ gây khó khăn cho nguồn cung xuất khẩu.
Cuối cùng, cả nước ta và Ấn Độ đều muốn dẫn đầu trong ngành xuất khẩu điều nên chất lượng sẽ ngày một tăng lên do đó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trích Đề tài Nghiên Cứu Quản Trị Kinh Doanh Quốc Tế – Nhóm Sinh Viên UEH
COPY GHI RÕ NGUỒN: camnangchiase.com || Cẩm Nang Chia Sẻ || Chia Sẻ Để Thành Công