Bán phá giá là thủ đoạn rất thường gặp trong hoạt động kinh doanh Xuất Nhập Khẩu. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bị rất nhiều quốc gia lên án và có nhiều biện pháp chế tài nghiêm ngặt. Để hiểu rõ vấn đề này, mời các bạn cùng tìm hiểu bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá trong hoạt động ngoại thương hoạt động ra sao?
Nội Dung Chính
Bán phá giá là gì?
Bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được xuất khẩu với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu. Như vậy có thể hiểu đơn giản là nếu giá xuất khẩu của một mặt hàng thấp hơn giá nội địa của nó thì sản phẩm đó bị coi là bán phá giá.
Bán phá giá xuất hiện khi nào?
Bán phá giá bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ XVII tại Châu Âu và sau đó nhanh chóng trở thành tượng phổ biến toàn thế giới. Ngay từ khi xuất hiện bán phá giá được xem như mối đe dọa đối với các nước nhập khẩu.
Cách xác định doanh nghiệp có bán phá hay không?
Như mình có đề cập, một sản phẩm bị xem là bị bán phá giá nếu có giá XK thấp hơn giá thông thường. Có 2 yếu tố giúp xác định doanh nghiệp đó có bán phá giá hay không:
- Biên độ phá giá từ 2% trở lên.
- Số lượng, trị giá hàng hoá bán phá giá từ một nước vượt quá 3% tổng khối lượng hàng nhập khẩu (ngoại trừ trường hợp số lượng nhập khẩu của các hàng hoá tương tự mới nước có khối lượng dưới 3%. Nhưng tổng số các hàng hoá tương tự của các nước khác nhau được xuất khẩu vào nước bị bán phá giá chiếm trên 7%).
Trong đó:
Biên độ phá giá là mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu (tính trên giá xuất khẩu), theo công thức “Biên độ phá giá = (Giá thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu”.
Giá thông thường càng cao hơn giá xuất khẩu thì biên độ phá giá càng lớn. Biên phá được tính riêng cho từng nhà sản xuất – xuất khẩu nước ngoài hoặc tính chung cho một nhóm nhà sản xuất – xuất khẩu nước ngoài tuỳ thuộc vào việc họ có hợp tác tham gia vụ điều tra hay không.
Ảnh hưởng của bán phá giá đối với nước xuất khẩu và nước nhập khẩu
Hành động bán phá giá có thể có lợi trong một số trường hợp ,nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ gây nhiều tác hại đối với nước nhập khẩu cũng như nước xuất khẩu.
Đối với nước xuất khẩu
Mặt tích cực
Bán phá giá giúp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu được ngoại tệ, giúp tiêu thụ được lượng hàng tồn kho. Đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo lỗi mốt…Tiêu biểu như ở Pháp, ngay từ khi mới vào mùa đã có lượng hàng tồn đọng như: thực phẩm sắp hết thời hạn sử dụng, quần áo , giầy dép hết mốt…lên tới 50% số dự trữ bán ra. Hàng tồn kho này được mang bán với mức giá thấp hơn 30% giá thị trường. Đến cuối mùa, hàng tồn đọng chỉ còn vài phần trăm lại đựơc bán lại cho những người chuyên nghiệp với giá bằng 1/10 giá cũ, họ sẽ đẩy số hàng hoá này ra nước ngoài bán phá giá.
Ngoài ra biện pháp bán phá giá còn là công cụ quan trọng trong chính sách Ngoại thương của đất nước nhằm giúp cho việc thực hiện những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước đó.
Mặt tiêu cực
Người tiêu dùng trong nước phải chịu thiệt do phải chịu giá cao hơn so với trước đây do có sự thoả thuận về giá giữa các doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp bán phá giá, lượng hàng hoá đó lại được bán cho chính các doanh nghiệp trong nước mình, do đó lại quay lại lũng đoạn thị trường trong nước.
Do việc bán phá giá nhằm mục đích thu được siêu lợi nhuận nên một vài nước đã sử dụng lao động trẻ em, phụ nữ, lao động tù nhân với giá rẻ mạt. Hậu quả là người lao động bị ngược đãi nặng nề. Trung Quốc là một trong những nước tiêu biểu sử dụng lao động tù nhân.Theo số liệu mới đây của văn phòng Quốc tế về lao động trẻ em (BIT) thì trên toàn thế giới có trên 250 triệu trẻ em từ 5-14 tuổi đang tham gia hoạt động kinh tế.
Đối với nước nhập khẩu
Mặt tích cực
Người tiêu dùng có cơ hội để lựa chọn, tiêu dùng những mặt hàng mới, lạ giá cả dễ chấp nhận.
Đối mặt với những mặt hàng từ nước ngoài đưa vào với giá rẻ, buộc các dịch vụ trong nước phải tìm cách cải tiến mẫu mã hàng hóa, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng nguồn nhân lực để hạ chi phí sản xuất nhằm giữ vững vị trí trên thị trường và thu được lợi nhuận tối ưu.
Mặt tiêu cực
Bán phá giá hàng hoá cũng gây ra không ít những khó khăn cho nước nhập khẩu, nhất là đỗi với các nước đang phát triển, có thị trường hẹp.
Trước hết với người tiêu dùng của nước nhập khẩu họ phải sử dụng những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, đôi khi cả hàng quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo về an toàn về an toàn thực phẩm, vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.
Các chủ doanh nghiệp, những người kinh doanh do hám lợi, thu được lợi nhuận cao, do đó tìm mọi cách nhập lậu hàng hoá, trốn thuế gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước. Hơn nữa do không thể cạnh tranh đựơc với hàng nước ngoài nên nhiều xí nghiệp trong nước bị đình trệ sản xuất, bị phá sản hoàn toàn. Khi đó nó là nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng trì trệ, hạn chế tốc độ phát triển nền kinh tế của nước nhập khẩu.
Về mặt xã hội, việc các xí nghiệp bị đóng cửa sản xuất hoặc ở bên bờ của sự phá sản hoạt động cầm chừng đã làm cho nhiều công nhân không có việc làm, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng, kèm theo nó là các tệ nạn xã hội cũng gia tăng gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhập khẩu.
Các biện pháp chống bán phá giá trong hoạt động ngoại thương
Biện pháp chống bán phá giá là tất cả các biện pháp mà nước nhập khẩu có thể sử dụng để chống lại hiện tượng bán phá giá của hàng nhập khẩu sau khi có kết luận cuối cùng khẳng định việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể. Các biện pháp bao gồm:
Dùng thuế để chống bán phá giá
Có rất nhiều phương pháp các quốc gia áp dụng để chống bán phá giá trong đó thuế chống bán phá giá là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất, được áp dụng với sản phẩm bị điều tra và bị kết luận là bán phá giá vào nước nhập khẩu gây thiêt hại cho ngành sản xuất nước đó
Đây là khoản thuế bổ sung ( ngoài thuế nhập khẩu thông thường) đánh vào sản phẩm nước ngoài nhập khẩu là đối tượng của quất định áp dụng biện pháp chóng bán phá giá
Cách thức áp dụng
+ Về nguyên tắc, mức thuế chống bán phá giá được tính riêng cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và không cao hơn biên phá giá của họ.
+ Trường hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoàikhông được lựa chọn để tham gia cuộc điều tra thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho họ không cao hơn biên phá giá trung bình của tất cả các nhàsản xuất, xuất khẩu nước ngoài được lựa chọn điều tra.
Về thời hạn áp thuế: Theo quy định của WTO, việc áp thuế chống bán phá giá không được kéo dài quá 5 năm kể từ ngày có Quyết định áp thuế hoặc kể từ ngày tiến hành rà soát lại.
Về hiệu lực áp thuế: Quyết định áp thuế chỉ có hiệu lực đối với tất cả hàng hoá liên quan nhập khẩu từ nước bị kiện sau thời điểm ban hành Quyết định.
Quyết định áp thuế có hiệu lực với cả các nhà xuất khẩu mới, người chưa hề xuất khẩu hàng hoá đó sang nước áp thuế trong thời gian trước đó; nhà xuất khẩu mới có thể yêu cầu cơ quan điều tra tính mức thuế riêng cho mình, nhưng trong thời gian chưa có quyết định về mức thuế riêng thì hàng hoá nhập khẩu của nhà xuất khẩu mới vẫn thực hiện.
Biện pháp tự vệ
Biện pháp tự vệ là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
Mỗi nước nhập khẩu là thành viên WTO đều có quyền áp dụng biện pháp tự vệ, nhưng khi áp dụng thì họ phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ).
Điều kiện áp dụng
Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau:
- Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;
- Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.
Để áp dụng biện pháp tự vệ, sự gia tăng về số lượng của hàng hoá nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Sự gia tăng này là gia tăng tuyệt đối (ví dụ lượng nhập khẩu tăng gấp 2 lần) hoặc tương đối so với sản xuất trong nước (ví dụ lượng hàng nhập khẩu hầu như không tăng nhưng cùng thời điểm đó lượng hàng sản xuất trong nước lại giảm mạnh).
- Sự gia tăng này phải mang tính đột biến (diễn ra đột ngột, nhanh và tức thời).
- Chú ý: theo điều kiện chung, sự gia tăng nhập khẩu này phải thuộc diện “không dự đoán trước được” vào thời điểm nước nhập khẩu đàm phán tham gia Hiệp định SG.
Thực trạng bán phá giá và chống bán phá giá tại Việt Nam
Thực trạng
Việc nước ta gia nhập vào APEC ASEAN và WTO dẫn đến việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, hiện tượng bán phá giá hàng hóa nước ngoài ngày càng tăng trên thị trường nước ta nhằm chiếm đoạt thị phần, dồn ép các ngành sản xuất Việt Nam.
Ngược lại, trong quan hệ thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đã bị khởi kiện vài lần vì bị cho là bán phá giá hàng hóa trên thị trường.
Năm 1994, gạo Việt Nam bị Colombia đâm đơn kiện. Kết luận cuối cùng là gạo Việt Nam nhập khẩu vào Colombia không bị đánh thuế chống bán phá giá mặc dù bán ở mức thấp 9.07% song không gây tổn hại cho các nhà sản suất lúa gạo ở Colombia.
Năm 2002, cá da trơn vào Mỹ bị kiện vì bị cho là bán giá rẻ, phá giá thị trường.
Năm 2006, vụ kiện phá giá dày da giữa Việt Nam và EU.
Năm 2013, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a và Lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01.
Kết luận
Để doanh nghiệp Việt có thể “đồng hành” cùng các biện pháp chống bán phá giá, chúng ta trước hết cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số vấn đề cụ thể sau:
- Sẵn sàng đương đầu với các vụ kiện phá giá khác.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về phá giá, chống bán phá giá.
- Tổ chức tìm hiểu các vụ kiện về chống bán phá giá của một số ngành và một số quốc gia lựa chọn.
- Chứng minh “Việt Nam có nền kinh tế thị trường”.
- Cần có những chứng cứ xác đáng để chứng minh việc bán giá thấp.
Theo Kinh tế Quốc tế