“Cái gốc của sự học là học làm người” là câu nói nổi tiếng của Ta-go. Ý nghĩa ở đây không phải chỉ học giỏi là đã tốt, mà cái chính phải là “đạo đức”, là “nhân cách”, là “cách đối nhân xử thế”.
Mải mê với thành tích, với điểm số, với những mục đích lo cho mình một tương lai ổn định, sung túc, nhiều người miệt mài học tập, nghiên cứu mà chẳng nhận ra đã có thêm những nếp nhăn vất vả trên khuôn mặt mẹ, dáng đi chậm chạp mệt mỏi của cha… không còn nhớ đã bao lâu rồi mình chẳng hỏi thăm mẹ cha dù một câu an lành_lãng quên chữ “hiếu”.
Nhiều người vì mong muốn điểm số cao đã không ngại ngần gian lận trong khi thi cử, kiểm tra_vứt bỏ sự “trung thực”.
Có những người, trong cuộc sống này thôi, dù đã có bằng cấp, được xã hội nể trọng với những chức vụ cao, những đóng góp, cống hiến… đang tâm chửi mắng một em nhỏ đánh giầy khi em bé kia vì mưu sinh cơm áo, tha thiết mời họ đánh một đôi giày_không còn nhớ chữ “nhân”
Và cũng có nhiều người, khi thành công trên con đường công danh sự nghiệp, khi bạn bè thưở hàn vi đến chơi đã đóng cửa không tiếp_mất đi chữ “nghĩa”.
Vậy thì con người học để làm gì? Thành công để làm gì? Khi không có nhân nghĩa, không biết trung thực, không biết hiếu thảo, không còn nhớ những đạo lý cơ bản nhất đó? Con người lúc ấy đâu có khác gì một cỗ máy vi tính thông mình, được lập trình, chỉ biết lo cho mình, làm công vịêc của mình mà quên đi người khác?
Có lẽ, chính vì vậy, Ta-go đã nói “Cái gốc của sự học là học làm người” Trước khi học tập, trau dồi tri thức, con người phải học tập, trau dồi đạo đức, nhân cách của bản thân, học cách sống, cách đối nhân xử thế. Đó là học làm người!
Học cách uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, đừng để lời nói của mình tổn thương cho người khác. Đó là học làm người!
Học cách nhẫn nại, kiên trì trong công việc, bình tĩnh khi đối xử với mọi người. Đó là học làm người!
Học cánh hỏi han khi thoáng thấy nét buồn trên gương mặt vốn vui tươi của bạn, cách chăm sóc khi cha mẹ ốm đau, cách quây quần bên ông bà đã già yếu chỉ mong được ở bên con cháu. Đó là học làm người!
Học cách giữ cho tâm hồn bình lặng để đón nhận cái tốt và phản chiếu cái xấu không bị méo mó, biến dạng, để trung thực trong cuộc sống, để dám dũng cảm đứng lên bảo vệ lẽ phải. Đó là học làm người!
Học làm người lương thiện, trong sạch, nhân hậu, có trái tim tràn ngập yêu thương và tâm hồn rộng mở, có cách sống đúng đắn và cách đối nhân xử thế đúng mực. Đó chính là học làm người!
Người đã học làm người biết sống chân thành và trung thực, biết cảm thông với những khó khăn, vất vả, những khố đau của người khác. Người đã học làm người là người có đức, có nhân, biết sống và yêu cuộc sống.
Người đã học làm người dù có thể không có tài, nhưng họ sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa, họ cố gắng hết mình vì cuộc sống của mình và vì cuộc sống của cả người khác, họ sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ người khác lúc khó khăn, ôm chầm lấy một người bạn dù người bạn đó lấm lem bùn đất… họ sống một cách thanh thản, dễ dàng làm theo lẽ phải khi con tim mách bảo. Họ là Người với cái nghĩa vẹn nguyên nhất của nó.
Khi con người biết học làm người, thế giới sẽ tràn ngập yêu thương và hạnh phúc, không còn những xung đột, những cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt, những thù hằn đẫm màu buồn đau, không còn sự lạnh nhạt, dửng dưng mà đầy ấm áp, yêu thương.
Vậy thì, con người hãy học làm người, hãy lắng nghe trái tim, mở rộng tâm hồn, trao đi yêu thương để sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa… Đừng để thế giới chìm trong băng giá, lạnh lẽo của sự vô tâm, đừng để những đứa trẻ sinh ra chẳng nói chẳng cười, những trái tim khô khan sắt đá mang hình người, đừng để con người biến thành 1 bộ máy có kiến thức cao rộng, có học vấn uyên bác nhưng không có tình yêu và sự quan tâm. Hãy học làm người trước khi học tri thức bởi học làm người mới là cái gốc của sự học.
Xem thêm
Theo sưu tầm
Cẩm Nang Chia Sẻ || Chia Sẻ Để Thành Công