Bài viết trước mình đã giúp các bạn định nghĩa quản trị chiến lược là gì? Trước khi đi sâu hơn về quản trị chiến lược, chúng ta hãy tìm hiểu 9 thuật ngữ chủ yếu sau: lợi thế cạnh tranh, chiến lược gia/nhà chiến lược, tuyên bố tầm nhìn và sứ mệnh, cơ hội và thách thức bên ngoài, điểm mạnh và điểm yếu bên trong, mục tiêu dài hạn, chiến lược, mục tiêu hàng năm và chính sách.
Nội Dung Chính
Lợi thế cạnh tranh
Quản trị chiến lược có mục tiêu tối thượng là giành được và duy trì lợi thế cạnh tranh. Điều này có nghĩa là “bất cứ thứ gì một công ty có thể làm thực sự tốt so với các công ty đối thủ”. Khi một doanh nghiệp có thể làm điều mà đối thủ cạnh tranh không làm được hoặc sở hữu được điều gì đối thủ mong muốn, đó cũng được xem là lợi thế cạnh tranh.
Thông thường, một doanh nghiệp chỉ duy trì được lợi thế cạnh tranh trong một thời gian nhất định do công ty đối thủ sẽ bắt chước và hủy hoại lợi thế đó. Do đó, chỉ dành được lợi thế cạnh tranh không thì chưa đủ. Một công ty phải nổ lực để đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua liên tục thích nghi với thay đổi về xu hướng và sự kiện bên ngoài cũng như khả năng, năng lực và nguồn lực bên trong. Thứ hai là phải liên tục triển khai và đánh giá chiến lược giúp tận dụng cơ hội đến từ các yếu tố đó.
Chiến lược gia / Nhà chiến lược
Chiến lược gia là các cá nhân chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại của một tổ chức. Chiến lược gia có chức danh công việc khác nhau: CEO, chủ tịch, chủ sở hữu, chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành, doanh nhân, chủ nhiệm khoa,…
Các chiến lược gia giúp một tổ chức thu thập, phân tích và tổ chức thông tin. Họ theo dõi xu hướng trong ngành và xu hướng cạnh tranh, phát triển các mô hình dự báo và phân tích tình huống, đánh giá hiệu quả của công ty và các phòng ban, phát hiện các cơ hội từ thị trường mới nổi, xác định các mối đe dọa/ thách thức tới doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch hành động sáng tạo.
Tuyên bố tầm nhìn và sứ mệnh
Tuyên bố tầm nhìn giúp trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta muốn trở thành cái gì?”. Xây dựng một tuyên bố tầm nhìn thường được xem là bước đầu tiên trong kế hoạch chiến lược, thậm chí trước cả tuyên bố sứ mệnh. Nhiều tuyên bố tầm nhìn chỉ là một câu nói duy nhất.
Tuyên bố sứ mệnh là tuyên bố dài hạn với mục đích phân biệt một doanh nghiệp với các công ty tương tự khác. Một tuyên bố sứ mệnh giúp xác định phạm vi hoạt động của một công ty về sản phẩm và thị trường. Tuyên bố trả lời câu hỏi cơ bản mà các chiến lược gia phải đối mặt: “Doanh nghiệp của chúng ta là gì?”
Một tuyên bố sứ mệnh phải mô tả được giá trị và ưu tiên của tổ chức. Tuyên bố sứ mệnh là một lời nhắc nhở thường xuyên với nhân viên về lý do tổ chức tồn tại và những gì sáng lập viên của công ty đã hình dung khi họ đặt cược với danh tiếng và tài sản của mình để biến giấc mơ thành hiện thực.
Cơ hội và thách thức bên ngoài
Ý chỉ các xu hướng và sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân khẩu học, môi trường, chính trị, luật pháp, chính phủ, công nghệ và cạnh tranh có thể mang lại lợi ích hoặc gây tổn hại đáng kể cho một tổ chức trong tương lai. Một số cơ hội và thách thức bên ngoài cơ bản mà các công ty thường gặp:
- Mức độ sẵn có của nguồn vốn không thể coi là chuyện đương nhiên.
- Người tiêu dùng ưa chuộng các hoạt động và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Hoạt động marketing dần chuyển hướng sang sử dụng internet.
- Giá hàng hóa thiết yếu ngày càng tăng.
- Tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông là nguyên nhân khiến giá dầu tăng.
- Các vấn đề về nạn tin tặc.
- Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm.
- Lãi suất đang tăng lên.
- Vòng đời sản phẩm đang trở nên ngắn hơn.
- ….
Điểm mạnh và điểm yếu bên trong
Là các hoạt động có thể kiểm soát ở tầm tổ chức và được thực hiện đặc biệt tốt hoặc yếu kém. Chúng phát sinh trong quản lý, marketing, tài chính – kế toán, sản xuất – vận hành, R&D, hoạt động hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp.
Điểm mạnh và yếu được xác định trong tương quan so với đối thủ cạnh tranh. Tương quan yếu hoặc mạnh là thông tin quan trọng.
Tổ chức phấn đấu để theo đuổi chiến lược nhằm phát huy điểm mạnh và loại bỏ các yếu kém bên trong.
Mục tiêu dài hạn
Mục tiêu định nghĩa là kết quả cụ thể mà một tổ chức tìm cách đạt được khi theo đuổi sứ mệnh cơ bản của mình. Dài hạn có nghĩa là nhiều hơn một năm. Mục tiêu cần mang tính thử thách, đo lường được, nhất quán, hợp lý và rõ ràng.
Chiến lược
Chiến lược đơn giản là những phương tiện để thực hiện các mục tiêu dài hạn. Chiến lược kinh doanh có thể bao gồm: mở rộng địa lý, đa dạng hóa, mua lại, phát triển sản phẩm, thâm nhập thị trường, cắt giảm, thanh lý, liên doanh, …
Chiến lược là những hành động tiềm năng, đòi hỏi quyết định ở tầm lãnh đạo cấp cao và nguồn lực đáng kể của công ty. Ngoài ra, chiến lược ảnh hưởng đến sự thịnh vượng lâu dài của một tổ chức.
Mục tiêu hàng năm
Mục tiêu hàng năm là các điểm mốc ngắn hạn mà tổ chức phải đạt được để hiện thực hóa mục tiêu dài hạn. Ngoài ra, mục tiêu hàng năm còn là cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực.
Chính sách
Chính sách là các phương tiện để thực hiện các mục tiêu hàng năm. Chính sách bao gồm: các nguyên tắc, quy tắc, thủ tục được thiết lập nhằm tạo nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra. Chính sách là hướng dẫn để ra quyết định và xử lý các tình huống lặp đi lặp lại hoặc định kỳ.
Đó là 9 thuật ngữ quản trị chiến lược cơ bản nhất mà các bạn cần biết trước khi nghiên cứu chuyên sâu về các tình huống quản trị thực tiễn. Chúc bạn thành công!
Theo Quản trị chiến lược: KHÁI LUẬN & CÁC TÌNH HUỐNG